Hơn một năm rồi, tôi đã đấu tranh nội tâm vì sợ mình không thể viết về ông một cách trọn vẹn nhất. Tôi đã viết và đã xoá rất nhiều lần, nhưng lần này tôi thật sự muốn viết về ông bằng những mảnh ký ức chấp vá của bản thân vì tôi sợ một ngày nào đó tôi không còn nhớ về ông nữa.
Tôi nhớ có người bạn từng nói với tôi rằng, thời điểm thích hợp nhất để chia sẻ câu chuyện chính là khoảnh khắc này.
“Ba cho con hai ngàn đi ba”, đó là câu tôi mở miệng sau khi ngồi cả tiếng chờ ba đi làm về. Với số tiền đó tôi có thể mua được gói snack yêu thích của tôi, hoặc có thể để dành tiền vào trường mua đồ chơi, lớn hơn một chút thì tôi dùng số tiền để có được 40 phút ngồi trước máy tính.
Ba tôi ông sinh vào 1946, cuộc sống của ông từ lúc nhỏ đã gắng liền với hai chữ “mất mát”. Lúc nhỏ thì ba mẹ ba tôi đã qua đời trong một tai nạn xe bỏ lại ông và chú tôi bơ vơ. Lớn lên thiếu vắng tình thương người thân, ông và chú cũng không được học hành. Mỗi ngày sáng sớm thức dậy phụ giúp dì buôn bán rồi lang thang đây đó và giao du với dân anh chị. Có lần tôi mẹ tôi kể “ba đã từng bị dì tạt một tô nước sôi nóng lên đầu”, tôi nghe xong tôi cảm thấy đau xót, cảm giác bị phỏng nó đau đớn lắm cả người lớn cũng chịu không nổi nhưng lại nhẫn tâm đối xử với một cậu bé như vậy. Lớn hơn một chút, khi chiến tranh Việt Nam nổ ra ông nhập ngũ quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Sau cuộc giao tranh giữa hai miền và loạn lạc, ba tôi kể tôi rằng ông cũng không rõ là chú tôi đã mất hay đã thất lạc. Và kể từ đó ông đơn độc như một con sói hoang. Tôi không thể tưởng tượng được cảm xúc lúc đó của ông, hẳn là ông đã khóc và tuyệt vọng thế nào. Lúc còn nhỏ tôi nhớ tôi có hỏi ba tôi rằng:
- Tôi: “Ba này, vết sẹo trên tay của ba là do đâu vậy?”
- Ba: “À, ba bị đạn bắn, ba còn một vết sẹo trên đầu nữa”
- Tôi: “Thế còn hình xăm cái hòm trên cánh tay ba thì sao?”
- Ba: “Ai vào quân ngũ đều phải xăm như vậy con à“
Sau chiến tranh, ba tôi xin vào làm công ty may dệt ở Sài Gòn cho tới khi nghỉ hưu. Có lần tôi hỏi mẹ tôi:
- Tôi: “Mẹ này, hồi đó ba hẹn hò với mẹ thế nào?, ba có dẫn mẹ đi đâu chơi không?”
- Mẹ: “Ba mày dẫn mẹ đi xem phim, rồi sau đó không còn tiền nên ăn cháo trắng và dầu cháo quẩy”
Ba tôi nhậu nhẹt nhiều lắm mỗi lần ba tôi uống là ông không thể kiểm soát bản thân và không thể tự đi về, mỗi lúc say như vậy thì con người với nội tâm đầy sẹo của ba tôi mới được lộ ra. Thói quen uống rượu bia đó kéo dài vài chục năm, mãi đến sau này khi ông lớn tuổi cơ thể yếu dần và mỗi lần uống bia nhiều là đều vào viện, và những lúc như vậy xung quanh ông đều là người thân. Sau vài lần nhập viện thì ông mới cai dần và bỏ hẳn. Tôi nhớ có một lần tôi dìu ông lên chỗ ngủ, thì ông nắm chặt tay tôi lại, ông bắt đầu khóc và nói với tôi rằng “con à, ba khổ quá và nhắc về quá khứ của mình”. Tôi lúc đó một thằng học sinh cấp ba và lần đầu tiên thấy một người đàn ông khóc. Tôi cũng không biết phải làm thế nào và chỉ an ủi ba tôi là “không sao đâu ba, ba đang ở nhà, thôi ráng ngủ cho khoẻ”. Mãi tới khi lớn lên, tôi mới hiểu rằng vết sẹo của chiến tranh và sự mất mát nó lớn tới mức có thể quật ngã bất cứ một người nào. Ông lúc trẻ hẳn đã rất cô đơn và ghen tị khi nhìn những người khác được hưởng tình yêu thương của người thân và động viên đứng lên khi vấp ngã. Tôi hối hận đã không nghe ông tâm sự nhiều hơn, tôi chắc là ông có rất nhiều điều để chia sẻ cho tôi.
Lớn lên với sự mất mát và không được hưởng tình “yêu thương”, tôi đoán ông cũng không biết định nghĩa của hai từ đó là gì. Nhưng tôi cảm nhận được tình yêu thương của ông dành cho tôi và em trai tôi. Ông thương tôi lắm, tôi còn nhớ cứ mỗi tối đi làm về, ông đều mang cho tôi một túi kẹo to đùng và dĩ nhiên tôi đã ăn hết, hậu quả là tôi phải nhổ sạch hàm răng. Hay khi tôi còn nhỏ bị viêm xoang và không chịu được gió từ cây quạt máy, ông cũng nằm kế tôi và che gió cho tôi. Và nếu không có ba tôi giúp tôi có công việc bảo vệ đêm để trang trải học phí luyện thi đại học ở những năm tháng phổ thông thì tôi chẳng ngồi đây viết những dòng này. Nó là một chuỗi các nhân duyên nối tiếp nhau để tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho tôi cũng như cho gia đình tôi.
Ba tôi không biết chữ và cũng không biết chạy xe máy, nên đa phần mọi thứ đều dồn lên vai mẹ tôi. Nhưng ông thông minh lắm, tôi nhớ lúc tôi đi làm bảo vệ hồi hè lớp 9 lên 10. Mỗi tối tôi thấy ông tập viết chữ và số trên cuốn sổ. Sau một thời gian, ông cũng đọc hiểu và viết được, ông còn tự nghiên cứu mấy cây quạt máy hoạt động thế nào rồi biết cách sửa và thay phụ kiện và cứ thế người trong xóm cứ gửi quạt cho ba tôi sửa kiếm tiền cafe.
Ông thích đánh bài lắm, cứ mỗi lúc không có gì làm là ông lấy bộ bài ra ngồi tự chơi một mình. Cứ gần tết là không thể thấy ông ở nhà vì ông bận đánh bài với các bô lão trong xóm, ông đánh xuyên 2-3 đêm, sau đó chịu hết nổi mới giải tán về nhà ngủ li bì. Đôi khi tôi nghĩ “ông là bảo vệ của phường công an, mà ông lại tiếp tay cho bài bạc”, mỗi lúc nghĩ vậy tôi nhịn cười không được. Tôi nhớ có lần, khi đang đánh bài thì cả sòng bài bị công an rượt và ông chạy để lại đôi dép. Về sau này, khi tôi đã đi làm rồi, cứ gần tết tôi thấy ông nôn nao mong được tôi lì xì, mỗi lần tôi lì xì ông tôi thấy ông nở một nụ cười hiền hậu như một đứa trẻ. Và ông chưa bao giờ quên lì xì cho cả nhà vào mỗi mùng 1 tết. Tôi vẫn còn nhớ lúc còn nhỏ mỗi tối cả nhà quây quần bên nhau chơi cờ cá ngựa vui lắm, những khoảnh khắc như vậy giờ có tiền cũng không thể đổi được.
Phim võ thuật hay phim chưởng gắn liền với tuổi thơ của tôi vì cứ mỗi tối ông đều mở phim Lý Tiểu Long lên xem, hay các phim bộ kiếm hiệp mà ông thuê từ các tiệm băng. Tôi nhớ mãi cứ tối tối ông hay bảo tôi là “thằng Dũng đi mướn cho ba mấy cuốn băng phim này phim nọ”, rồi lúc mang về thì ông cầm “đồ quay” mà quay băng để xem. Và cả nhà đều theo dõi, đến mỗi khúc đánh đấm ông đều hoà mình vào với bộ phim và bắt đầu bình luận.
Từ khi lên phổ thông thì tôi ít khi nói chuyện với ba, tôi và ông chỉ nói chuyện khi hai cha con có dịp đi tuần đêm cùng nhau. Ông hay hỏi tôi là “con ăn tối chưa, chưa ăn ba mua bánh mì cho con ăn”. Hay những lúc trên phường có mua đồ ăn, ông luôn dành đồ ăn mang về cho gia đình. Và cũng nhờ ông mà giấy tờ trong nhà cũng được làm nhanh hơn hẳn, vì ông cũng quen biết một số người trên phường. Hay những lúc mẹ tôi đang cần tiền, thì ông luôn biết cách xoay xở và luôn nói là “để tôi lo, bà khỏi lo”.
“Để ba tự đi khám bệnh được rồi”. Ông chưa bao giờ muốn làm phiền ai bất cứ điều gì, mọi thứ ông đều chấp nhận và tự mình giải quyết. Ông hay đi khám bệnh định kì, do không biết đi xe nên thường ông đi bộ. Hình ảnh ông mỗi lần đi khám bệnh tôi sẽ không bao giờ quên, quần ngắn, cái áo sơ mi màu xanh hay nâu sọc dọc cũ kĩ, một cái nón cộng với cuốn sổ bệnh và mang đôi dép kẹp cao su màu vàng. Sau này tôi lên đại học và có giấy phép lái xe rồi, tôi thường bảo “ba để con chở ba đi”.
Tôi còn nhớ có lần tôi, em tôi và chị tôi nói chuyện với nhau, thì lúc đó mới nhớ là sắp tới ngày sinh nhật ông. Sau đó tôi cùng với chị và em tiến hành tổ chức sinh nhật tại nhà cho ông. Và đó cũng là sinh nhật đầu tiên trong cuộc đời ông từ lúc mới sinh ra trên cuộc đời này, cái sinh nhật mà phải đợi hơn 50 năm cuộc đời. Tôi còn nhớ buổi sinh nhật đó có một nồi lẩu thái và một cái bánh kem. Lúc tôi nói ba thổi nến đi, ông có vẻ ngượng ngùng. Nhưng tôi cá là ông vui lắm.
Tôi và em tôi khi lớn lên khi ý thức được là ba tôi chưa một lần trong đời được ai tặng hay mua một cái gì mới cho ông cả. Thế là bọn tôi mới để ý là đôi giày sandal của ông bị mòn mà nếu đi mưa thì trơn trượt lắm. Thế là 2 đưa tôi mua cho ông một đôi giay sandal mới và tốt. Nhưng ông chỉ mang nó một lần và ông gói cẩn thận và cất rất kĩ, kể cả sau này bọn tôi có mua gì mới cho ông, ông đều làm vậy. Mãi sau này tôi mới biết là “ông xài sợ hư và ông quý những món đồ đó lắm”.
Có lần vào hè lớp 9 lên lớp 10, lúc đó tôi đang làm bảo vệ gác chốt, thì năm đó là năm mẹ tôi phát hiện ba tôi đã lãnh lương hưu, số tiền mà mẹ tôi đã rất mong chờ để trả nợ. Và khi mẹ tôi phát hiện vậy thì mẹ tôi giận lôi đình và không cho ba tôi về nhà. Ba tôi chỉ đưa 1/2 số tiền cho mẹ. Đến giờ tôi vẫn không biết 1/2 số tiền còn lại ông đã làm gì. Tôi cũng có lần hỏi mà ông không trả lời. Có những bí mật sẽ giữ trong trái tim suốt cả kiếp người. Nhưng sau đó, mẹ tôi cũng nguôi giận và mỗi lần tôi đi làm thường mang cơm ra chốt cho ông ăn và cuối cùng mẹ tôi cũng cho phép ông về nhà ngủ. Sau này tôi thấy ông quan tâm tới gia đình nhiều hơn.
Năm 2019, tôi có cơ hội sang Nhật đi làm. Tôi còn nhớ lúc tôi chuẩn ra taxi để ra sân bay. Ba tôi cũng dành mang hành lý phụ tôi ra xe. Và sau một năm dài bên Nhật tôi quay về thăm nhà, thì lúc tôi về cửa nhà thì ba tôi là người nhìn thấy tôi đầu tiên và la lên “Bà ơi, Dũng nó về” và ông vội vàng ra phụ tôi mang hành lý vào.
Kể từ đó cứ mỗi lần tôi gọi điện về nhà tôi đều dành thời gian nói chuyện với ba. Ba tôi luôn hỏi tôi là “Con ăn cơm chưa, con nhớ ăn đó không lại đói là không làm việc được”.
Cho tới khi năm 2021 khi covid lên đỉnh điểm ở Việt Nam và ông đã không qua khỏi. Tôi còn nhớ em tôi gọi video cho tôi trong lúc ông đang hấp hối, ông cố gượng vì một điều gì đó, chắc có lẽ là ông muốn thấy và nghe giọng của tôi. Lúc đó tôi đã không kìm được cảm xúc và nói
“Con yêu ba, ba nghe rõ không, con cám ơn ba vì tất cả"
và rồi ông ra đi trong vòng tay của em trai và mẹ tôi.
Sau khi ông mất, một tuần đó ký ức nó cứ hiện về và tôi cứ thế mà khóc như một đứa trẻ. Đến giờ cứ thỉnh thoảng tôi lại nhớ về ông và cứ thế nước mắt cứ rơi lúc nào không hay và tôi hối hận khi đã không quan tâm và nói chuyện với ba tôi nhiều hơn. Ông hẳn là có rất nhiều tâm sự chất chứa cả một cuộc đời.
Tôi đã may mắn chứng kiến ba tôi trải qua các cung bật cảm xúc của cuộc đời. Ông từ không biết tình thương là gì, mất mát và rồi ông có gia đình, có con và ông học cách yêu thương và được yêu thương, quan tâm bởi người thân. Ông có thể không giàu có, không học thức đàng hoàng, nhưng tôi biết ông nhân hậu và là một người tử tế. Và quan trọng ông cho tôi một thứ không ai có thể cho được đó là tình yêu ông dành cho tôi và một ý chí sắc thép cùng với một tinh thần lạc quan.
Ba này, con sẽ nên người và sống tốt, vì có như vậy mới có thể đền đáp được công nuôi dưỡng của ba. Ba yên nghĩ nhé, con cám ơn ba về mọi thứ ba đã cho con.
CON YÊU BA và con sẽ luôn nhớ về BA.